Đó là ý kiến trao đổi của Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tại tọa đàm khoa học về “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”, diễn ra ngày 2/4 vừa qua.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích, thảo luận những vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, thảo luận các giải pháp đột phá, then chốt; các ưu tiên; những đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cần nhận thức rõ bản chất của giáo dục
Tiếp cận giáo dục từ góc nhìn khoa học, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh chia sẻ, giải quyết vấn đề của giáo dục là bài toán đa biến số, không chỉ có trắng và đen, đúng và sai. Vì vậy, chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh và nghiên cứu khoa học giáo dục một cách bài bản.
Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hoàng
Đánh giá thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết 29, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vẫn chưa có sự thống nhất về cách hiểu thế nào là đổi mới căn bản, toàn diện nên dẫn đến việc chỉ đạo thiếu sự xuyên suốt, nhất quán.
Bên cạnh đó, Nghị quyết không đặt ra các chỉ tiêu cụ thể cũng khiến việc đánh giá gặp khó khăn nhất định.
Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Phó giáo sư Trần Quốc Toản - Chuyên gia cao cấp (nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ) cho rằng, nếu không nhận thức rõ bản chất của giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sẽ dẫn đến sai lầm trong chính sách, vận hành của các cơ sở giáo dục, người học.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ phân tích, giáo dục có 2 yếu tố: Giáo dục là phúc lợi xã hội và giáo dục là hàng hóa dịch vụ.
Giáo dục - đào tạo chứa đựng cả lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân, tuy nhiên tương quan giữa lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân ở các cấp bậc học là khác nhau. Tính chất công cộng, lợi ích công cộng thể hiện đậm nét và chiếm ưu thế ở các bậc học thấp, giáo dục cơ bản, giáo dục phổ cập bắt buộc; còn tính chất cá nhân, lợi ích cá nhân tăng lên ở các bậc học cao, như giáo dục đại học và gắn với đào tạo nghề nghiệp, gắn với mục tiêu cá nhân đầu tư để có nghề nghiệp nhằm nâng cao thu nhập của mỗi cá nhân.
Phó giáo sư Trần Quốc Toản - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ. Ảnh: Phạm Hoàng
Từ việc tìm hiểu tác động của kinh tế thị trường - cơ chế thị trường đối với giáo dục, cùng thực tiễn giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, chuyên gia đề xuất hướng vận dụng cơ chế thị trường trong phát triển giáo dục - đào tạo theo các cấp độ.
Cụ thể, Phó giáo sư Trần Quốc Toản đề xuất xem xét ở 3 cấp độ: cấp độ hệ thống giáo dục - đào tạo; cấp độ cơ sở giáo dục - đào tạo; và cấp độ các yếu tố, quá trình cụ thể của giáo dục - đào tạo.
Trong đó, đối với cấp độ hệ thống, theo chuyên gia, cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào coi nền giáo dục nội địa nước mình và đối với học sinh của nước mình là một ngành kinh tế - kinh doanh, dù đã coi giáo dục là ngành dịch vụ. Yếu tố kinh tế, hiệu quả đầu tư ngày càng được coi trọng hơn. Đồng thời, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế từng phần hệ thống của hệ thống giáo dục - đào tạo lại được vận dụng cơ chế thị trường ở những cấp độ khác nhau.
Đối với cấp độ cơ sở giáo dục - đào tạo, trong điều kiện kinh tế thị trường, mức độ tiếp cận cơ chế thị trường cũng rất khác nhau. Có thể khái quát làm 4 loại cơ sở giáo dục - đào tạo sau: (a) Cơ sở công lập được bao cấp hoàn toàn; (b) Cơ sở công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ; (c) Cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận; (d) Cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận.
Về nguyên tắc các loại cơ sở giáo dục đó dù khác nhau về chủ thể sở hữu và bản chất kinh tế, song phải giống nhau ở mục tiêu giáo dục - đào tạo.
Đối với cấp độ các yếu tố, quá trình giáo dục - đào tạo tham gia hoặc vận dụng cơ chế thị trường là rất đa dạng, có ý nghĩa khác nhau, có thể là trực tiếp, có thể là gián tiếp. Mức độ vận dụng cơ chế thị trường đối với các yếu tố, quá trình giáo dục - đào tạo phụ thuộc vào cấp bậc giáo dục đào tạo, loại hình cơ sở giáo dục - đào tạo nêu trên, vào đặc điểm, tính chất của các yếu tố, quá trình giáo dục, và vào chính sách cụ thể.
Con người là chủ thể, là động lực, là nguồn lực
Quan tâm đến vấn đề giáo dục con người, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, con người là trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Muốn trở thành “là chủ thể, là động lực, là nguồn lực” thì con người phải được giác ngộ, giáo dục - đào tạo, phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Ảnh: Doãn Nhàn
Trên cơ sở đó, Phó giáo sư Vũ Văn Phúc đề xuất, bên cạnh việc tiếp tục tham mưu để hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, cần tập trung chỉ đạo đưa vấn đề giáo dục giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hệ thống giáo dục- đào tạo Việt Nam nghiên cứu đưa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới vào trong chương trình giáo dục - đào tạo của các cấp học, các ngành học một cách tương thích, phù hợp nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người Việt Nam.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ khẳng định, Nghị quyết 29 đã đem lại luồng gió mới, góp phần tích cực giúp đổi mới giáo dục Việt nam, thể hiện qua chất lượng, hội nhập quốc tế, cơ cấu ngành nghề, cơ chế chính sách,...
Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ. Ảnh: Doãn Nhàn
Trong bối cảnh hiện nay với nhiều thay đổi từ cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, mô hình phát triển giáo dục cũng đã hoàn toàn thay đổi so với trước đây. Trong đó, đổi mới sáng tạo, tự chủ, bình đẳng trong giáo dục, quốc tế hóa là những từ khóa quan trọng.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, chiến lược phát triển giáo dục của các trường phải thay đổi, trong đó 3 cấu thành quan trọng nhất của một trường đại học hiện nay, đó là nghiên cứu, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Một vấn đề quan trọng khác cần quan tâm là trí tuệ nhân tạo, STEM, mà theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, các yếu tố này là tất yếu, tác động hàng ngày, hàng giờ đến hệ thống giáo dục đào tạo. Bởi vậy, các khâu trong đào tạo từ chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, tuyển sinh kiểm tra, đánh giá,... phải thay đổi để phù hợp, gắn tiêu chí học thật, nhân tài thật, hướng đến nền giáo dục thực chất.
Đặc biệt, đào tạo nhân lực là then chốt trong quá trình xây dựng đất nước, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là sứ mệnh của ngành giáo dục.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng, thời đại ngày nay là cơ hội rất lớn để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế, và nắm bắt cơ hội hợp tác với những quốc gia chiến lược, mà nòng cốt là các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu. Cần có sự thay đổi về nhận thức và có cơ chế để phát huy cao nhất, rút ngắn khoảng cách khoa học công nghệ, giữa trình độ nhân lực Việt nam với quốc tế, từ đó tham gia chuỗi nhân lực chất lượng cao toàn cầu. Muốn đổi mới cần phải có định hướng và khoa học, đúng đắn.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh thêm, sự nghiệp giáo dục không chỉ riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà phải là của tất cả các Bộ, ngành, là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy, chuyên gia bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự thấu hiểu, nhận thức đầy đủ từ tất cả các bên liên quan.
Các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đặc biệt góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách mới phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Theo Doãn Nhàn - Tạp chí Giáo dục Việt Nam
Link bài viết: