Các chuyên gia đang tư vấn tuyển sinh tại báo điện tử VOV (Ảnh: Quốc Toản / VNU Media)
Buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức vào 14h ngày 27/3/2015.
Tại buổi giao lưu, các chuyên gia về đào tạo của ĐHQGHN đã trả lời các câu hỏi nhằm giúp các thí sinh hiểu rõ hơn về phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN trong kỳ thi tuyển sinh 2015; cung cấp những điểm thí sinh cần lưu ý khi tham gia đăng ký dự thi vào các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN đồng thời giải đáp thông tin về các ngành học, về các nguyện vọng đăng ký dự thi...
Các chuyên gia tham gia chương trình:
- Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Vũ Viết Bình,
- Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Đinh Việt Hải,
- Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên Đoàn Văn Vệ,
- Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại ngữ Hà Lê Kim Anh và một số chuyên gia khác đến từ các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN sẽ tham dự chương trình này.
Dưới đây là nội dung của buổi tư vấn:
Hỏi: Le Ha (Hà Nội):
Chào các thầy chuyên gia của đại học QGHN. Em biết có buổi giao lưu trực tuyến ngày 27/3 trên vov. Vậy e có câu hỏi như sau ạ. Em có đăng ký thi đánh giá năng lực trên trangdangkythi.vnu.reskoos.net nhưng sau đó e quên chưa lấy mã đăng ký dự thi. Vậy bây giờ em phải làm như thế nào ạ? Mong các thầy trả lời giúp em. Em đang rất lo lắng vì không có mã sẽ không đi đóng lệ phí thi được. Và thưa các thầy làm sao để xem thông tin mình đã đăng ký và muốn xem rồi sửa lại nếu có sai sót. Em mong được các thầy hồi đáp. Em xin chân thành cảm ơn. Mong Vov trả lời email của em. Em đang rất cần ạ.
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV: Chào em! Em hãy vào đây:
và làm theo hướng dẫn là thấy ngay điều em muốn. Chúc em may mắn.
Hỏi: Mi Phường ([email protected]):
Em đã đăng kí dự thi vào Đại học Quốc gia nhưng em muốn hỏi rằng khoa Luật của trường mình không có khối C phải không ạ? Em muốn vào khoa Luật nhưng em theo khối C nên giờ em phải làm thế nào ạ?
TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Các ngành đào tạo của Khoa Luật xét tuyển trên cơ sở kết quả của bài thi đánh giá năng lực, không xét tuyển theo khối C truyền thống như các năm trước. Bài thi đánh giá năng lực gồm 50 câu toán học, 50 câu ngữ văn, 40 câu thuộc khối kiến thức KHTN, 40 câu thuộc khối kiến thức khoa học xã hội. Thí sinh bắt buộc phải hoàn thành 50 câu toán, 50 câu ngữ văn và lựa chọn 40 câu thuộc 1 trong 2 khối KHTN hoặc KHXH. Em đã học khối C nên chọn KHXH.
Hỏi: Meocon_123:
Thưa thầy, muốn chuyên sâu về Hóa dầu thì phải học ngành nào ở Trường ĐHKHTN và khi ra trường sẽ làm công việc gì?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Hóa học dầu mỏ là chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học của trường ĐHKHTN. Ngoài những kiến thức về hóa học, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về: dầu mỏ, công nghệ lọc dầu, hóa dầu, xúc tác, xử lý các sản phẩm dầu mỏ,… Học xong, sinh viên sẽ làm việc tại các nhà máy lọc dầu, tại các công ty của Tập đoàn Dầu khí, các liên doanh về dầu khí, các viện, trung tâm NC về thăm dò, khai thác dầu…, giảng dạy về Hóa học tại các trường đại học, cao đẳng.
Hỏi: [email protected]:
Chính sách ưu tiên của các thí sinh thuộc khu vực 1 là gì ạ?
Trả lời: TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, khung điểm ưu tiên đối với đối tượng và khu vực tương ứng là 1 và 0,5 điểm. Nếu em đăng ký dự thi bài thi ĐGNL vào ĐHQGHN, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 5 điểm, và giữa 2 khu vực kế tiếp là 2,5 điểm. Em thuộc KV 1, điểm ưu tiên sẽ là 7,5 điểm. Điểm ưu tiên sẽ được tính vào điểm bài thi ĐGNL.
Hỏi: Cô cho em hỏi em tham gia bài thi ĐGNL và bài thi môn Ngoại ngữ thì có phải là em chỉ được đăng ký vào ĐHNN không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN: Câu trả lời là Không. Em thi bài ĐGNL và bài Ngoại ngữ, sau khi có kết quả nếu em không muốn đăng ký vào ĐHNN nữa thì em có thể dùng kết quả bài thi ĐGNL để đăng ký xét tuyển vào một trong các đơn vị đơn vị tạo khác thuộc ĐHQGHN.
Hỏi: Phan Linh Anh:
Học ngành Địa lí tự nhiên của Trường ĐHKHTN, khi ra trường có thể chọn được những công việc nào phù hợp, thưa thầy?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Các chương trình đào tạo ngành Địa lý tự nhiên trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn rộng, toàn diện về quy luật thành tạo, phát triển và tác động lẫn nhau của các địa quyển, sự phân bố và diễn biến của các dạng tài nguyên, môi trường; kỹ năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại, tổng hợp và chuyên ngành; kỹ năng thành lập bản đồ các hiện tượng và quá trình tự nhiên, các dạng hoạt động sản xuất; khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và sử dụng các công cụ Viễn thám, Hệ thông tin Địa lý, mô hình hoá, các phần mềm chuyên dụng nghiên cứu sự phân hoá lãnh thổ và diễn biến theo thời gian của các đối tượng địa lý ở các quy mô khác nhau.
Ngoài ra còn các kiến thức ngành và bổ trợ: Phân tích và áp dụng được các kiến thức ngành Địa lý tự nhiên, các phương pháp nghiên cứu và công nghệ hiện đại để hình thành các ý tưởng, xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá, và nghiên cứu khoa học được theo các hướng: Sinh thái cảnh quan và Môi trường, Địa mạo và tai biến thiên nhiên, Địa lý và môi trường biển, Bản đồ - Hệ thông tin địa lý và Viễn thám, Địa nhân văn và Kinh tế sinh thái, Địa lý du lịch và Du lịch sinh thái, Địa lý qui hoạch và tổ chức lãnh thổ.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Địa lý tự nhiên có thể đảm nhận công việc trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và giảm thiểu tai biến thiên nhiên, xây dựng, quản lý và đánh giá các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn, làm việc cho các tổ chức tài chính, bảo hiểm; có khả năng giảng dạy địa lý tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông.
Hỏi: Nguyễn Văn Thành, Phú Thọ:
Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học và ngành Công nghệ sinh học trong năm 2015 có các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, chuẩn quốc tế không?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học tự nhiên:Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học và ngành Công nghệ sinh học trong năm 2015 không có các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, chuẩn quốc tế. CTĐT tài năng gồm các ngành Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học; CTĐT chất lượng cao gồm các ngành Khí tượng học, Thủy văn, Hải dương học, Địa lý tự nhiên, Khoa học môi trường; CTĐT tiên tiến gồm các ngành Hóa học và ngành Khoa học môi trường; CTĐT chuẩn quốc tế gồm các ngành Vật lý học, Địa chất học và Sinh học.
Hỏi: Thu Hằng (Hà Nam):
Thầy cô cho em hỏi đề thi Ngoại ngữ của trường ĐHNN có phần viết không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN: Đề thi Ngoại ngữ của trường ĐHNN hoàn toàn là trắc nghiệm, không có phần viết. Cấu trúc và định dạng đề thi tương tự như đề thi các môn ngoại ngữ trong các kỳ thi đại học gần đây. Các em có thể lên website của ĐHNN để xem thông báo cấu trúc, định dạng đề thi để có được sự chuẩn bị tốt nhất.
Hỏi: Cát Đồng Hồ ([email protected]):
Em thấy năm nay có rất nhiều bạn đăng kí ĐHQGHN. Vậy tỉ lệ chọi có thể là bao nhiêu? Liệu bao nhiêu điểm thì em có thể ứng tuyển vào ĐH Công Nghệ. Em thấy khá là lo lắng vì sắp thi rồi mà chúng em ôn tập khá khó khăn vì đề thi 100% trắc nghiệm. Vậy thầy nghĩ thế nào về việc này và có thể cho em 1 vài lời khuyên trong việc ôn tập không ạ...Em xin cảm ơn.
Trả lời: TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Từ năm 2015 trở đi, sau khi thí sinh có kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN mới đăng ký xét tuyển vào các trường Đại học thành viên hoặc các khoa trực thuộc. Vì vậy, sẽ không có tỷ lệ chọi vào từng ngành học.
Hỏi: Hà Thu, Nam Định:
Thưa thầy, điều kiện để vào các chương trình đào tạo tài năng của Trường ĐHKHTN năm 2015 như thế nào?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Năm 2015, Trường ĐHKHTN tiếp tục tuyển sinh vào các Chương trình đào tạo tài năng gồm các ngành Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học dành cho những SV đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước.
Ngoài các chế độ dành cho SV theo quy định chung của Nhà nước, SV học CTĐT tài năng còn được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong KTX của ĐHQGHN, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ tương đương bậc 4 trở lên (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân chương trình tài năng. Chương trình này tuyển từ 15 đến 20 SV/1 CTĐT tài năng.
Điều kiện xét tuyển:
- Tuyển thẳng những thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;
- Xét tuyển những thí sinh là học sinh THPT chuyên đã tốt nghiệp THPT đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN và thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT, có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt (theo Quy chế Tuyển sinh đại học chính quy năm 2015 của ĐHQGHN).
- Ưu tiên xét tuyển những thí sinh có kết quả bài thi đánh giá năng lực cao.
Hỏi: Đức Thành, Thanh Hóa:
Nếu em thi ngoại ngữ tiếng Trung và có kết quả rất cao thì em có được đăng ký vào học ở khoa Tiếng Anh không?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN: Trong Thông tin tuyển sinh của Trường đăng tải trên website có ghi rõ các môn thi ngoại ngữ để đăng ký vào từng ngành học. Nếu em thi bằng tiếng Anh thì em có thể đăng ký vào học tất cả các ngành của trường ĐHNN.
Còn nếu em thi bằng một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh thì em chỉ được đăng ký vào khoa có đào tạo ngoại ngữ đó. Cụ thể với trường hợp của em, thi bằng tiếng Trung thì em có thể đăng ký vào khoa Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc với 2 ngành học là Sư phạm tiếng Trung hoặc Ngôn ngữ Trung Quốc.
Tuy nhiên, như các em biết là sau khi trở thành sv của trường ĐHNN, các em có cơ hội học bằng kép ngành Ngôn ngữ Anh, vậy nên em là sinh viên khoa Trung thì cũng vẫn có thể thực hiện mong muốn của mình là học chương trình thứ hai là ngành Ngôn ngữ Anh.
Hỏi: Thắng Phùng <[email protected]:
Thưa các thầy, em có một câu hỏi là, nếu kết quả bài thi đánh giá năng lực của em tầm khoảng 80 điểm thì em có khả năng đỗ được vào trường ĐH Kinh tế không ạ? Em xin cảm ơn các thầy!
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Theo quy định của ĐHQGHN, kết quả bài thi đánh giá năng lực phải đạt điểm tối thiểu 70/140 thì được đăng ký xét tuyển vào các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN. Tuy nhiên, với trường ĐH Kinh tế để biết điều kiện cụ thể, em xem tại website của ĐH Kinh tế-ĐHQGHN.
Hỏi: Thu Lan, Hà Nội:
Theo em được biết, để thi vào trường ĐHNN-ĐHQGHN năm nay, thí sinh cần tham dự bài thi ĐGNL do ĐHQGHN tổ chức và một bài thi Ngoại ngữ. Vậy cho em hỏi, các Ngoại ngữ được tổ chức thi năm nay có gì khác so với những năm trước không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh (Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN): Năm nay, trường ĐHNN vẫn tổ chức thi 6 môn thi ngoại ngữ như các kỳ thi đại học 3 chung trước đây, đó là Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Các bạn thí sinh có thể lựa chọn một trong các ngoại ngữ này để đăng ký thi.
Hỏi: Lương Nguyễn ([email protected]):
Quý thầy cô cho em hỏi ,nếu đã đỗ vào trường ĐHQGHN nhưng em có nguyện vọng học trường khác có được không ạ?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN chỉ có giá trị xét tuyển vào các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN (được bảo lưu trong 24 tháng). Nếu em tham dự cả kỳ thi THPT quốc gia thì em có quyền đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH khác.
Hỏi: Nguyễn Lê Na (Nam Đàn, Nghệ An):
Thưa thầy, có phải sau khi có kết quả thi, em mới lựa chọn nộp vào một trong các trường thành viên không? Sau đó là đăng kí vào các ngành thuộc trường đại học đó không? Hay đăng kí trường mình thi trước khi làm bài thi ĐGNL?
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV: Tách thi khỏi tuyển là chủ trương lớn và mới của ngành giáo dục đại học nước nhà từ năm 2015. Bởi thế, rất nhiều người có câu hỏi như em vậy. Đúng là sau khi có kết quả thi (không chỉ kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN mà cả kỳ thi THPTQG) thì em mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành học của một trường đại học mà em lựa chọn.
Những năm trước, em đăng ký ngành, trường mà chưa thi chưa có kết quả còn năm nay, em có kết quả rồi và căn cứ kết quả đó, mức điểm nhận hồ sơ của các trường để em lựa chọn nên nộp ngành nào, trường nào. Điều đó giúp em tránh được tình trạng “quá sức” khi dự thi đại học.
Ở ĐHQGHN, khi em đăng ký xét tuyển (thầy nhắc lại là đăng ký xét tuyển diễn ra sau khi có kết quả thi ĐGNL nhé) thì trong thời gian xét tuyển (đợt 1 từ ngành 08/06 – 25/06/2015) em chỉ được nộp đăng ký vào 1 trường duy nhất trong các trường của ĐHQGHN và sau khi đã nộp, vẫn trong thời gian vừa nêu, nếu em có nguyện vọng thì được 1 lần rút hồ sơ đã nộp từ trường A chuyển sang trường B hoặc điều chỉnh lại ngành đã chọn ở trường mà em đã nộp.
Trước mắt, em nên tập trung ôn thi, làm bài mẫu của bài thi đánh giá năng lực có tại địa chỉ sau//viettelstudy.vn/vnu/bai-thi-tong-hop-danh-gia-nang-luc-chung.html để có kết quả tốt nhất. Sau khi thi, Hội đồng tuyển sinh của trường tiếp tục có các chương trình tư vấn cho thí sinh chọn nghề, chọn ngành cho phù hợp với năng lực và kết quả thi của các em. Lịch trình tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học KHXHH&NV em xem ở đây nhé//tuyensinh.ussh.reskoos.net/lich-tu-van-truc-tuyen-tuyen-sinh-dai-hoc-2015/1243
Chúc em thành công.
Hỏi: Ha Chu ([email protected]):
Em là học sinh lớp 12 chuyên Pháp trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Em là thành viên chính thức của đội tuyển quốc gia môn tiếng Pháp nhưng không đạt giải. Năm lớp 10 đạt học sinh tiên tiến. 2 năm 11 và 12 đạt học sinh giỏi toàn diện. Vậy em có được tuyển thẳng không ạ? Em cảm ơn ạ!
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN: Chào em! Theo Quy chế tuyển sinh ĐH chính quy của ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành trong tháng 3/2015 thì em không thuộc đối tượng tuyển thẳng. Em cần tham dự bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ để xét tuyển vào trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm nay, trường ĐH Ngoại ngữ vẫn tổ chức thi 6 loại ngoại ngữ như các kỳ thi ĐH 3 chung trước đây. Đó là: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật. Em là học sinh chuyên Pháp thì có thể lựa chọn thi bằng tiếng Pháp. Chúc em đạt kết quả tốt !
Hỏi: Nguyễn Thu Thủy ([email protected] Vinh, Nghệ An):
Thầy cô cho em hổi ngoài ngành báo chí ra thì học những ngành nào của trường mà khi tốt nghiệp vẫn làm báo được ạ ? Vì em thấy điểm vào ngành báo chí những năm trước cao quá.
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV: Chào em, ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngoài ngành Báo chí, có sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học, ngành Văn học làm báo khá nhiều. Bên cạnh đó, một số sinh viên ngành Quốc tế học cũng làm việc ở bộ phận đối ngoại của nhiều cơ quan báo chí.
Đúng là điểm trúng tuyển vào ngành Báo chí luôn thuộc tốp các ngành có điểm trúng tuyển cao của Trường Đại học KHXH&NV nhưng nếu đam mê làm báo và muốn học ngành Báo chí thì tốt nhất vẫn nên cố gắng học thật tốt để thi vào ngành Báo chí bởi các ngành khác như thầy nêu trên không có nhiều các môn học về kỹ năng làm báo (in, điện tử, nói, hình, đa phương tiện) như sinh viên ngành Báo chí.
Chúc em thành công!
Hỏi: Hiếu Nguyễn ([email protected]):
Năm nay cháu thi Đại học. Cho cháu hỏi nếu cháu đỗ vào ĐH Quốc gia Hà Nội đợt tháng 5 này, nhưng sau đợt thi đầu tháng 7 cháu thấy điểm mình phù hợp với trường khác thì cháu có thể rút lại hồ sơ nộp vào trường khác không ạ?
Trả lời: Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội Vũ Viết Bình: Em vẫn có thể được sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp với em. Em không cần phải rút hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hỏi: Thao Luu ([email protected])
Em muốn thi Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng em cũng muốn thi thêm môn Ngoại ngữ để thử sức thì có được không ạ? Tại em thấy môn ngoại ngữ chỉ dành cho ĐH Ngoại ngữ ạ?
Trả lời: Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN Hà Lê Kim Anh: Hoàn toàn được. Thí sinh muốn đăng ký vào trường ĐH Ngoại ngữ cần làm bài thi môn Ngoại ngữ. Nhưng bài thi Ngoại ngữ không phải chỉ dành cho thí sinh muốn đăng ký vào ĐH Ngoại ngữ. Vì vậy, em hoàn toàn có thể tham dự bài thi này như là một cơ hội để thử sức trước kỳ thi THPT Quốc gia cũng như để biết được trình độ ngoại ngữ của mình
Hỏi: Đào Vân ([email protected]):
Thưa thầy, em muốn đăng kí vào Đại học Kinh tế sau khi biết kết quả kì thi ĐGNL. Nhưng trong kì thi THPT quốc gia, môn thi Ngoại ngữ của em là tiếng Pháp thì em có thể đăng kí vào trường được không ạ? vì theo em biết thì những năm trước trường không tuyển khối tiếng Pháp.
Em có một câu hỏi nữa là khi em học khoa ngôn ngữ Anh của Đại học Ngoại ngữ của Đại học Quốc gia thì sau này em sẽ có một bằng sư phạm và một bằng phiên dịch đúng không ạ? Em muốn biết tỉ lệ chọi năm nay của trường Đại học Ngoại ngữ có phải 1:100 không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN: Em muốn đăng ký vào ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì chỉ cần tham gia bài thi đánh giá năng lực, không liên quan đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Vậy nên, môn tiếng Pháp của em sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả đăng ký vào ĐH Kinh tế.
Khi em trở thành sinh viên của trường ĐH Ngoại ngữ, em hoàn thành chương trình học của ngành nào sẽ được nhận bằng cử nhân của ngành đó, chứ không phải là học khoa ngôn ngữ Anh thì sau này em sẽ có một bằng sư phạm và một bằng phiên dịch.
Nếu em đăng ký học ngành Sư phạm tiếng Anh thì được nhận bằng cử nhân Sư phạm tiếng Anh. Nếu em đăng ký học ngành Ngôn ngữ Anh thì nhận bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, em có cơ hội để học bằng kép hay còn gọi là học cùng lúc 2 chương trình. Sau khi học bằng kép, em sẽ được nhận 2 bằng cử nhân. Cơ hội học bằng kép, em có thể tìm hiểu trên website của ĐH Ngoại ngữ: www.ulis.vnu.reskoos.net.
Hỏi: Minh Phuong Vu ([email protected]):
Xin chào các thầy cô. Cho tôi được hỏi: Khi có điểm bài thi đánh giá năng lực rồi thì ngày 8 đến ngày 25/6 là nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, đó có phải là xét tuyển nguyện vọng 1 của thí sinh không ạ? Và ngày 30 tháng 6 thí sinh được báo đã đủ điểm trúng tuyển vào ĐHQGHN (chỉ chờ đủ điểm tốt nghiệp là có giấy báo nhập học) thì thí sinh đó có quyền tham gia xét tuyển nguyện vọng 1 vào 1 trường đại học khác không phải ĐHQG Hà Nội khi đã có điểm của kỳ thi THPT Quốc Gia không ạ? (Vì cháu nhà tôi muốn thi vào ĐHQG Hà Nội và 1 trường khác nữa ạ). Xin cảm ơn.
Trả lời: TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN: Khi thí sinh đã trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn có quyền sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để đăng ký xét tuyển vào một trường Đại học không thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Con của chị có quyền lựa chọn học ở trường nào phù hợp với khả năng của cháu.
Hỏi: Lưu Minh Huệ:
Thưa thầy (cô) em muốn hỏi là hiện tại em đã tốt nghiệp trung học phổ thông rồi vậy em muốn thi vào trường mình thì năm nay thi theo cách nào ạ? Có phải thi cùng đợt với các em năm nay thi đại học và tốt nghiệp không ạ. Và nếu thi thì sẽ thi ở đâu và vào thời điểm nào ạ. Em cảm ơn
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN: Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2015, em phải dự thi kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ phải chọn những môn thi phù hợp với thông báo của các trường ĐH mà em dự định sẽ tham gia xét tuyển. Việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia do Sở GD&ĐT địa phương em quy định.
Nếu em dự định đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN thì em chỉ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (mà không cần phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia nữa). Thủ tục đăng ký có trên website của ĐHQGHN.
Hỏi: Nguyễn Lan Minh, Hà Nội:
Em xin chào ban tư vấn. Em có một số câu hỏi mong ban tư vấn có thể giúp e giải đáp phần nào thắc mắc của mình. Thứ nhất là khi mình đăng kí thi đánh giá năng lực đợt 1, sau khi nhận đc kết quả vào ngày 6/6 mà cảm thấy chưa thỏa mãn thì có thể tiếp tục làm hồ sơ đăng kí dự thi đợt 2 hay không ạ? Thứ hai, việc chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội có ảnh hưởng đến việc mình vào khoa nào theo khối gì không ạ? Chẳng hạn như nếu em chọn Khoa Quan hệ công chúng của trường ĐHKHXHVNV, khi làm bài thi đánh giá năng lực lại chọn làm bài thi khoa học tự nhiên thì có ảnh hưởng gì không? Em xin cảm ơn!
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN: Chào em, chúng ta sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi của em nhé.
- Thứ nhất: Nếu kết quả đợt 1 em chưa hài lòng thì em hoàn toàn có quyền đăng ký thi đợt 2. Tuy nhiên, nếu đợt xét tuyển bổ sung của năm 2015 này mà ngành nào còn chỉ tiêu tuyển thì em nhớ là được quyền dùng kết quả cao nhất trong 2 lần thi để xét em nhé bởi giá trị sử dụng của kết quả các kỳ thi là như nhau và có thời hạn sử dụng trong 24 tháng.
- Thứ hai: Trừ các ngành Y đa khoa và Dược học của khoa Y Dược thuộc ĐHQGHN thì phần tự chọn của bài thi ĐGNL bắt buộc phải là phần Khoa học tự nhiên còn tất cả các ngành khác thí sinh đều được quyền tự quyết định chọn phần Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Em hãy chọn phần nào là sở trường tốt nhất của em để thi, không phải băn khoăn gì cả.
Cảm ơn em đã lựa chọn thi và xét tuyển vào ngành học của Trường Đại học KHXH&NV.
ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Hỏi: Đức Cường, Hải Phòng:
Cho em hỏi nếu mình đăng ký vào ĐHQGHN thì là đăng ký xét luôn nguyện vọng 1 đúng không ạ? Nếu mình không đỗ vào trường thì những nguyện vọng sau chỉ là nguyện vọng 2, 3 ạ?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN: Phương án tuyển sinh năm 2015 của ĐHQGHN là tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Việc em xét tuyển vào ĐHQGHN không ảnh hưởng đến các nguyện vọng (16 cơ hội) của em khi em tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mà lấy kết quả để xét tuyển đại học.
Hỏi: Hà Minh Hiền: Em đoạt giải ba học sinh giỏi cấp quốc gia môn Ngữ văn muốn học ngành Đông Phương học ĐHQGHN thì có được xét tuyển thẳng vào ngành đó không ạ? Nếu không thì phải tham gia thi đánh giá năng lực, vậy yêu cầu đạt bao nhiêu câu trên tổng số 140 câu vậy ạ?
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN: Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chính thức ban hành các quy định trong năm 2015 về việc ngành tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Vì vậy, câu trả lời chính thức dự kiến có vào cuối tuần sau khi Bộ chính thức ban hành hướng dẫn. Còn căn cứ quy định về việc này trong năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì em không được tuyển thẳng vào ngành Đông phương học. Nếu em muốn học ngành này, em phải dự thi ĐGNL và phải đạt điểm tối thiểu là 70 điểm thì mới đủ điều kiện được ưu tiên xét tuyển vào ngành học mà em lựa chọn.
Hỏi: Văn Thành ([email protected]):
Cho em hỏi đề thi mẫu trên mạng có tương đương với đề thi thật không ạ. Em làm được 90 câu thì có cơ hội không ạ?
Trả lời: TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN: Đề thi mẫu đã đăng tải trên website của Đại học Quốc gia Hà Nội với mục đích để thí sinh làm quen về dạng thức câu hỏi, cấu trúc đề thi và cách thức làm bài thi đánh giá năng lực trên máy tính. Đề thi chính thức là có cấu trúc dạng thức và câu trúc như đề thi mẫu.
Hỏi: Hien Nguyen ([email protected]):
Thưa thầy cô, nếu đỗ thì khi em nộp đơn xét tuyển vào trường, em có thể nộp cả nguyện vọng 1 vào khoa Dược và 2 nguyện vọng còn lại vào trường ĐH Khoa học tự nhiên được không ạ. Vì theo em được biết thì mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng nộp hồ sơ. Em cảm ơn.
TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN): Em được đăng ký xét tuyển vào 1 đơn vị đào tạo và được đăng ký 3 ngành theo thứ tự ưu tiên của em. Tuy nhiên, trong thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT), em được quyền 1 lần thay đổi ngành đã đăng ký hoặc rút hồ sơ nộp vào đơn vị đào tạo khác.
Hỏi: Vân Anh ([email protected]):
Thưa các thầy cô, khi nào thí sinh có số báo danh, phòng thi, địa điểm thi? Thí sinh làm bài thi 1 buổi là 195 phút liên tục trong buổi sáng hoặc buổi chiều hay mỗi bài thi Đánh giá năng lực định tính, định lượng, tự chọn sẽ làm vào 3 buổi sáng, chiều khác nhau? Em rất mong nhận được câu trả lời của chuyên gia tư vấn!
Trả lời: TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN: Sau ngày 7/5/2015 (đợt 1) và 17/7/2015 (đợt 2), Hội đồng tuyển sinh sẽ gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. Khi đó em sẽ biết được số báo danh, phòng thi, địa điểm thi.
Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu trong thời gian 195 phút trong một buổi thi. Em có thể xem chi tiết lịch thi đăng trên website của Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN
Hỏi: Phương Đặng ([email protected]):
Em chào các thầy cô. Em là 1 HS trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An, vừa đoạt giải khuyến khích môn Tiếng Anh kì thi chọn HSG quốc gia. Theo quy chế tuyển sinh năm nay của trường ĐHNN thì em sẽ đc xét tuyển thẳng vào trường. Em có nguyện vọng vào khoa SP Tiếng Anh của ĐHNN. Em muốn hỏi về cách thức làm hồ sơ xét tuyển như thế nào và hạn đến bao giờ ạ? Em xin cảm ơn.
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN: Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội mới ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2015, trong đó quy định về chế độ tuyển thẳng của năm 2015 tạm thời áp dụng theo quy chế tuyển sinh ĐH mới ban hành của Bộ GD-ĐT. Như vậy, trường hợp của em đạt giải Khuyến khích môn Tiếng Anh trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia thì được tuyển thẳng vào các trường Cao đẳng, không được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại ngữ. Em cần đăng ký dự thi bài thi Đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ để được xét tuyển vào trường ĐH Ngoại ngữ.
Hỏi: Tuấn Anh ([email protected]):
Em chào các thầy, cô ạ. Nhà em có hộ khẩu ở quận Tây Hồ - Hà Nội. Trong phiếu đăng ký dự thi đã nộp em có ghi mã tỉnh quận huyện ở mục 3 là 1A05 là đúng hay sai ạ? Và nếu sai thì phải làm sao ạ? Em xin cảm ơn các thầy cô!
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN: Em ghi như vậy là đúng rồi!
Hỏi: Nguyễn Lan Anh (Hà Nội):
Em được giải Nhất kỳ thi HS giỏi quốc gia môn Ngữ văn nhưng em không dùng quyền tuyển thẳng mà muốn dùng quyền được ưu tiên xét tuyển. Em muốn biết quyền ưu tiên xét tuyển có phải như các anh chị em nói là em chỉ cần đạt điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi chung Quốc gia là được rúng tuyển vào ngành em muốn học không? Năm nay, ĐHQGHN có đề án tuyển sinh riêng thì em có được dùng điểm sàn của kỳ thi THPTQG để xét không?
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV: Chào em. Nếu em không dùng quyền tuyển thẳng vào trường thì phải dự thi đánh giá năng lực và phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng ĐHQGHN quy định trong Đề án tuyển sinh đại học chính quy từ năm 2015 là 70/140 điểm.
Em không dùng điểm sàn của kỳ thi THPTQG để thực hiện quyền ưu tiên xét tuyển thẳng vào các ngành của ĐHQGHN.
Hỏi: Thu Thủy, Thái Bình:
Em định đăng ký thi ngành tiếng Ả Rập nhưng không thấy thông tin về ngành này năm nay. Thầy cô cho em hỏi năm nay trường có tuyển tiếng Ả Rập không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh: Cảm ơn em. Ngành Ngôn ngữ Ả Rập trường ĐHNN 2 năm mới tuyển một lần. Năm nay trường không tuyển.
Hỏi: Lương Nguyễn ([email protected]):
Cho em hỏi cách tính điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực ạ?
TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Em có thể thao khảo biểu dưới đây nhé:
Đối tượng | Khu vực 3 | Khu vực 2 | Khu vực 2 - NT | Khu vực 1 |
HSPT | 0 | 2,5 | 5,0 | 7,5 |
Nhóm ưu tiên 2 | 5,0 | 7.5 | 10,0 | 12,5 |
Nhóm ưu tiên 1 | 10,0 | 12,5 | 15,0 | 17,5 |
Hỏi: Thanh Mai, Hà Nội:
Thầy cô cho em hỏi nếu em học ngành Sư phạm tiếng Pháp và được miễn học phí thì sau khi tốt nghiệp em có bắt buộc phải làm giáo viên không?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh: Câu hỏi của em cũng là băn khoăn của rất nhiều thí sinh. Câu trả lời là Không. Như các em biết, trường ĐHNN đào tạo 2 nhóm ngành là Sư phạm ngoại ngữ và Ngôn ngữ nước ngoài. Thông thường, nhắc đến trường ĐHNN thì người ta dễ liên tưởng là sv sau khi tốt nghiệp ra trường hoặc là làm giáo viên dạy ngoại ngữ, hoặc là làm biên phiên dịch.
Đây đúng là hai hướng ngành nghề chính của sv ĐHNN, nhưng ngành nghề của sv tốt nghiệp trường ĐHNN không chỉ dừng ở đó mà trên thực tế là rất đa dạng, phong phú. Có nhiều sv làm việc ở các ngân hàng, các tập đoàn đa quốc gia, làm hướng dẫn viên du lịch, các tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán, phòng hợp tác quốc tế của các cơ quan nhà nước...
Với những bạn sinh viên theo học các ngành Ngôn ngữ nước ngoài, sau 3 học kỳ đầu tiên, các em sẽ lựa chọn các định hướng chuyên ngành, ví dụ Tiếng Pháp phiên dịch, Tiếng Pháp du lịch, Tiếng Pháp kinh tế. Những định hướng chuyên ngành này sẽ giúp các em có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản của chuyên ngành, tạo nên những năng lực cơ bản để có thể bước đầu đáp ứng yêu cầu công việc. Về các ngành Sư phạm ngoại ngữ, thực ra chương trình đào tạo của ngành Sư phạm Ngoại ngữ và Ngôn ngữ nước ngoài chỉ khác nhau khoảng 20% ở các môn học chuyên ngành.
Với các bạn sinh viên học các ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp ngoài công việc giảng dạy, các em cũng hoàn toàn có thể tìm một công việc khác, thử sức ở một lĩnh vực khác. Trong quá trình học, nếu như em quan tâm, em có thể lựa chọn những môn học ngoài chuyên ngành sư phạm như là một môn học tự chọn tự do để tích lũy thêm kiến thức thuộc các lĩnh vực khác.
Hỏi: Bo Khuynh ([email protected]):
Lớp em có mấy bạn hỏi vào ĐHQGHN:
1. Em thích học môn toán, nếu em vào trường KHTN thì em có thể vào các khoa nào? sau khi ra trường em làm gì và xin việc ở đâu?
2. Em được biết là trường ĐHKHTN có thêm một số ưu tiên về tuyển thẳng vào trường. Vậy cho em hỏi em được giải khuyến khích quốc gia môn sinh học thì có được tuyển thẳng vào trường không ạ? Nếu được thì tuyển vào ngành gì ạ?
3. Năm nay, em thi đại học và có nguyện vọng thi kì thi đánh giá năng lực vào tháng 5 do Đại học Quốc Gia HN tổ chức. Em ấy muốn thi vào khoa công nghệ thông tin của trường đại học Công Nghệ hoặc Toán Tin của ĐHKHTN. Tuy nhiên, em khá lo vì kiểu thi năm nay là mới và chưa có tiền lệ, vậy nên em không chắc chắn được điều gì khi chưa có kết quả thi.
Vậy em kính mong thầy cô giải đáp giúp em, khi có kết quả thi, nếu em không đủ điểm để vào trường Công Nghệ thì em có được nguyện vọng sang các trường ĐHKHTN được không ạ? Và nếu em ấy đăng kí thi tiếng anh để được vào hệ đào tạo tài năng tiên tiến gì đó mà kết quả không tốt thì có thể được chuyển xuống hệ thường không? Và giả sử điểm tiếng anh của em ấy cao nhưng điểm bài thi đánh giá năng lực không đủ điểm để đỗ vào khoa công nghệ thông tin thì khi chuyển sang các khoa khác thì có được ưu tiên tuyển chọn vào các chương trình tài năng tiên tiến không ạ?
Em kính mong thầy cô giải đáp thắc mắc giúp em với ạ.
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Em phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN, đạt tối thiểu 70/140 điểm thì đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào khoa Toán- Cơ – Tin học của ĐHTN.
Các chương trình đào tạo của khoa Toán-Cơ-Tin học ngoài các kiến thức chung còn cung cấp cho sinh viên các kiến thức về toán ứng dụng, tin học, công nghệ thông tin. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại Viện nghiên cứu, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, THPT, các doanh nghiệp, công ty liên quan đến lĩnh vực tin học hoặc học tiếp sau ĐH.
- Em được giải khuyến khích môn Sinh học thì theo quy định của Bộ GD&ĐT em không được tuyển thẳng vào ĐH mà chỉ được tuyển thẳng vào CĐ.
- Em được đăng ký xét tuyển vào 1 đơn vị đào tạo và được đăng ký 3 ngành theo thứ tự ưu tiên của em. Tuy nhiên trong thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (cứ 3 ngày một lần các đơn vị đào tạo cập nhật số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng ngày, xếp theo kết quả từ cao xuống thấp). Dựa vào thông tin đó, em được quyền 1 lần thay đổi ngành đã đăng ký hoặc rút hồ sơ nộp vào đơn vị đào tạo khác.
Nếu đăng ký xét tuyển vào hệ đào tạo tài năng thì không phải làm bài thi tiếng anh. Còn nếu đăng ký xét tuyển vào hệ đào tạo tài năng tiên tiến thì phải làm bài thi tiếng anh: Khi đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ thông tin của ĐH công nghệ em còn quyền đăng ký 2 nguyện vọng nữa theo thứ tự ưu tiên. Nếu không đỗ ngành Công nghệ thông tin em sẽ được xét tuyển sang ngành thứ 2, thứ 3 hoặc em được đổi ngành đã đăng ký hoặc rút hồ sơ nộp vào đơn vị khác.
Hỏi: Em được biết bài thi ĐGNL được làm trên máy tính, vậy bài thi Ngoại ngữ có làm trên máy tính không ạ? Chúng em có biết kết quả thi Ngoại ngữ ngay không?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh: Đúng là bài thi ĐGNL các bạn sẽ làm trực tiếp trên máy tính, còn bài thi Ngoại ngữ thì các bạn sẽ nhận đề thi và làm bài trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, hình thức như các kỳ thi đại học 3 chung trong những năm gần đây.
Về kết quả bài thi Ngoại ngữ, các bạn sẽ được biết sau khi thi 1 tuần, tức là với đợt thi 30, 31/5, các bạn sẽ biết kết quả trước ngày 8/6.
Hỏi: Em là thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu dự thi vào trường thì cần làm 2 bài thi là ĐGNL và bài thi Tiếng Anh, và em có phải thi kỳ thi THPT quốc gia không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN: Em đã tốt nghiệp THPT những năm trước đây rồi thì chỉ cần làm bài thi ĐGNL và bài thi Ngoại ngữ, không cần tham gia kì thi THPT quốc gia nữa.
Hỏi: Em đạt giải Ba môn Ngữ văn trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, thầy cô cho em hỏi liệu em có được xét tuyển thẳng vào trường ĐHNN không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN: Năm nay, trường ĐHNN áp dụng chế độ tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ và Quy chế tuyển sinh đại học chính quy của ĐHQGHN.
Tức là tuyển thẳng các bạn đạt giải Nhất, Nhì, Ba các môn Ngoại ngữ trong kỳ thi chọn HSG quốc gia. Em đạt giải Ba môn Ngữ văn thì không nằm trong đối tượng tuyển thẳng vào ĐHNN, tuy nhiên em có thể nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển. Sau khi tham dự kỳ thi ĐGNL và bài thi Ngoại ngữ, trường ĐHNN sẽ xem xét ưu tiên xét tuyển trường hợp của em.
Hỏi: [email protected]:
Cho em hỏi là học sinh đăng kí nguyện vọng vào các trường thành viên của ĐHQGHN vào thời gian nào ạ? em xin chân thành cảm ơn ạ!
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV: Chào em. Năm 2015, thời gian cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành của ĐHQGHN như sau:
- Từ ngày 08/06/2015 đến 25/06/2015: Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển
- Ngày 30/06/2015: Công bố kết quả trúng tuyển và công bố những ngành còn chỉ tiêu tuyển bổ sung.
- Ngày 10/08/2015 đến 25/08/2015: Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào các ngành còn chỉ tiêu tuyển bổ sung.
Tuy nhiên, Thầy muốn nói thêm là em cần phân biệt thời gian đăng ký thi và thời gian đăng ký xét tuyển. Thời gian đăng ký xét tuyển thì như trên còn thời gian đăng ký thi như sau:
- Đợt 1: Từ ngày 25/03 đến 15/04/2015 (tức là bắt đầu từ 2 hôm nay rồi em nhé)
- Đợt 2: Từ ngày 20/06 đến 10/07/2015.
Chúc em thi tốt.
Hỏi: Phan Hoài Thu:
Em được biết mấy năm gần đây, ngành Hóa dược của trường ĐHKHTN có điểm chuẩn vào loại cao nhất, Em muôn biết ngành này sẽ học những gì và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo-Trường ĐH Khoa học tự nhiên: Hóa dược là ngành khoa học với cơ sở nền tảng là Hóa học, Nghiên cứu các vấn đề liên ngành như Dược học, Sinh học, Y học, nghiên cứu tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học, mối quan hệ giữa cấu trúc và hoạt tính của tiền chất làm thuốc, sự chuyển hóa thuốc trong môi trường và trong cơ thể, giải thích tác động qua lại giữa thuốc và cơ thể ở mức độ phân tử….
SV được trang bị các kiến thức về các cây thuốc, các vị thuộc từ thiên nhiên ở Việt Nam; phân lập, tinh chế các hoạt chất làm thuốc kháng sinh, thức ăn chức năng,… có nguồn gốc từ thực vật, động vật; tổng hợp thuốc bằng con đường hóa học; tổng hợp thuốc bằng phương pháp sinh học (sử dụng vi sinh vật, enzyme và protein,… nghiên cứu mô hình hóa, tối ưu hóa,…
SV tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí:
- Giảng dạy hóa dược tại các trường đại học, cao đẳng;
- Cán bộ nghiên cứu trong các viện, các trung tâm,…
- Làm việc tại các công ty liên doanh, các nhà máy sản xuất thuốc;
- Các doanh nhân trong lĩnh vực dược phẩm.
- Có thể học tiếp các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.
Hỏi: Mi Nhon Heo ([email protected]):
Hôm qua ngày 26/3/2015 em đã đăng kí tham dự kì thi tuyển sinh vào trường. Và em đã đăng kí thành công, sau đó em cũng đã chuyển khoản để nộp lệ phí thi là 135.000 đồng bằng cách chuyển khoản qua cây ATM của BIDV. Tên người chuyển khoản trùng với tên em đã đăng kí trên website trực tuyến của nhà trường.
Nhưng em lại quên không in biên lai đã chuyển khoản và khi chuyển khoản lại không có mục nội dung chuyển khoản để em điền thông tin như trường đã hướng dẫn. Vậy khi nhà trường nhận được số tiền đã chuyển khoản thì có kiểm tra được thí sinh nào đã nộp lệ phí thi và xác nhận cho thí sinh đó đã hoàn thành các bước đăng kí dự thi không ạ? Và nếu như khi tới trường dự thi, nhà trường có yêu cầu biên lai mà em không có thì em phải làm như nào ạ?
Trả lời: ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV: Chào em. Em dùng ATM của BIDV là đúng với hướng dẫn của ĐHQGHN trong việc chuyển tiền qua ATM. Các bạn khác cần lưu ý điều này để không nhầm với ATM của ngân hàng khác.
Theo quy trình khi chuyển khoản, sau khi đăng nhập, em chọn menu “Dịch vụ giá trị gia tăng” em sẽ chọn tiếp “Thanh toán hóa đơn trả sau” và tiếp tục chọn “Thanh toán lệ phí thi ĐHQGHN” rồi nhập mã ĐKDT của em.
Cuối cùng là chọn nút “Có” để chấp nhận thanh toán và tiếp tục chọn nút “Có” để xác nhận lại giao dịch thanh toán và theo em nói thì đã chuyển thành công chỉ không in biên lai thì Thầy tin là việc chuyển tiền của em đã đúng quy trình, đúng địa chỉ còn không in biên lai thì không có ảnh hưởng gì bởi còn dữ liệu chuyển tiền được ngân hàng lưu giữ. Em có thể kiểm tra lại việc nộp tiền của mình sau vài ngày nữa tại địa chỉ dưới đây nhé//dangkythi.vnu.reskoos.net/index.php/register/check.
Hỏi: phuongfc.gmall.com:
Em muốn hỏi dự thi bài đánh giá năng lực thi trên máy tính có thể thi ở bất cứ đâu hay phải đến tận trường để thi ạ?
ThS. Đinh Việt Hải, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHKHXH&NV: Chào em. Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 7 cụm thi đánh giá năng lực trong năm 2015, cụ thể như sau:
a) Cụm thi số 1: Đại học Quốc gia Hà Nội, thành phố Hà Nội
b) Cụm thi số 2: Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, thành phố Hải Phòng.
c) Cụm thi số 3: Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Thành phố Nam Định.
d) Cụm thi số 4: Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, Thành phố Thái Nguyên.
đ) Cụm thi số 5: Trường Đại học Hồng Đức, thành phố Thanh Hóa.
e) Cụm thi số 6: Trường Đại học Vinh, thành phố Vinh.
f) Cụm thi số 7: Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng.
Tuy vậy, việc xác định địa điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đối với thi sính có khác biệt so với kỳ thi THPTQG. Kỳ thi THPTQG thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định em phải thi ở cụm thi nào còn kỳ thi đánh giá năng lực thì em được quyền tự chọn địa điểm thi của mình tại một trong 7 cụm thi nêu trên.
Hỏi: Loan Dao ([email protected]):
Cho cháu hỏi thi đại học bằng tiếng Nhật cần học đến bài bao nhiêu, kiến thức bài thi gồm những lĩnh vưc nào cụ thể tất cả cho cháu càng nhanh càng tốt ạ!
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh: Đề thi môn tiếng Nhật cũng như các ngoại ngữ khác trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay của trường ĐH Ngoại ngữ có phạm vi kiến thức thuộc chương trình THPT. Hiện nay, ĐH Ngoại ngữ đã công bố định dạng, cấu trúc đề thi và hướng dẫn làm bài môn Ngoại ngữ trên website của ĐHNN, em có thể tham khảo tại đây: //ulis.vnu.reskoos.net/tuyensinh/taxonomy/term/171/712.
Hỏi: Nguyen Thanh Binh ([email protected]):
Em được biết hiện nay nhà nước đang chú trọng đến việc phát triển năng lượng nguyên tử. Các thầy cho em hỏi trường ĐHKHTN có chương trình nào liên quan đến vấn đề này không ạ, nếu có cơ hội việc làm của em như thế nào ạ? Cơ hội đi du học có nhiều không?
Trả lời: TS Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Khoa học tự nhiên: ĐH KHTN được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ là 1 trong 3 đơn vị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trường ĐHKHTN có chương trình công nghệ hạt nhân thuộc Đề án trên.
Sinh viên học chương trình này được hưởng các chế độ ưu tiên của Nhà nước, được đầu tư kinh phí học tiếng anh, cơ hội thực tập, du học ở một số nước (Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc....).
Sinh viên sau khi học xong chương trình này sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân, cơ sở ứng dụng điện hạt nhân mà hiện nay nhân lực đang rất thiếu.
Hỏi: Minh Huệ, Hà Tĩnh:
Em được biết sinh viên trường ĐHNN có cơ hội học chương trình bằng kép, thầy cô có thể nói rõ hơn về cơ hội này không ạ?
Trả lời: TS Hà Lê Kim Anh: Đúng thế, khi em trở thành sinh viên trường ĐHNN, em có cơ hội học chương trình thứ hai tại một số đơn vị trong ĐHQGHN. Cụ thể, em có thể học ngành Kinh tế quốc tế, Tài chính ngân hàng hoặc Quản trị kinh doanh của trường ĐHKT, em có thể học ngành Luật học tại Khoa Luật, hoặc học các ngành như Báo chí, Du lịch, Khoa học quản lý và Quốc tế học tại trường ĐHKHXH&NV, và em cũng có thể học ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc tại trường ĐHNN.
VNU Media - VOV