1. CHUỖI HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 25 NĂM PHÁT TRIỂN ĐHQGHN
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu. Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII) chỉ rõ nhiệm vụ “xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia” để làm đầu tàu và nòng cột cho giáo dục đại học nước nhà. ĐHQGHN được thành lập với vai trò và sứ mệnh đó. Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 97/CP thành lập ĐHQGHN trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại một số trường đại học lớn ở Hà Nội.
Hình thành trên cơ sở kế thừa tinh hoa và truyền thống học thuật phong phú của ĐH Đông Dương và ĐH Quốc gia Việt Nam, ĐHQGHN đã phát triển lớn mạnh, khẳng định được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, trình độ cao theo chuẩn quốc tế.
Địa vị pháp lý của ĐHQG được quy định tại Điều 8, Luật Giáo dục đại học năm 2012. Tháng 11/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Một lần nữa, Luật Giáo dục đại học ghi nhận ĐHQGHN là mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Năm 2018, ĐHQGHN kỷ niệm 112 năm truyền thống (1906 - 2018) và 25 năm thành lập (1993 – 2018), các đơn vị, tập thể và cá nhân đã có nhiều hoạt động hướng tới ngày kỷ niệm này như: các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, , , Giao lưu gặp mặt các giáo chức, ().
2. GIA TĂNG VỊ THẾ QUA CÁC BẢNG XẾP HẠNG KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ
Lần đầu tiên, Việt Nam có hai đại diện vào top 1000 đại học hàng đầu thế giới là ĐHQGHN và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh theo kết quả của Tổ chức xếp hạng QS. Trong đó, ĐHQGHN thuộc nhóm 801 – 1000. Riêng hai tiêu chí về đánh giá của các nhà tuyển dụng và tỷ lệ giảng viên/sinh viên, ĐHQGHN nằm trong top 500 ().
Cũng theo bảng xếp hạng này, năm 2018, ĐHQGHN xếp thứ 1 Việt Nam và ở vị trí 124 đại học hàng đầu châu Á, tăng 15 bậc so với năm 2017. Ở bảng xếp hạng QS năm nay, ĐHQGHN có nhiều chỉ số so sánh được với mặt bằng trung bình của các trường đại học top 500 châu Á và có nhiều chỉ số có thứ hạng tốt như các chỉ số về đánh giá của các nhà tuyển dụng, đánh giá của các nhà khoa học, số lượng sinh viên quốc tế đến trao đổi, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu. Đặc biệt, chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo khoa học của ĐHQGHN là 5,1 lần/bài báo, vượt ngưỡng trung bình của châu Á là 4,5 lần/bài báo… ().
Tổ chức Cybermetrics Lab đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ hai của năm 2018. Theo đó, ĐHQGHN đã trở lại vị trí số 1 Việt Nam, vị trí 1306 thế giới, tăng 144 bậc so với thứ hạng 1450 trong lần công bố tháng 1/2018, ở vị trí 25 Đông Nam Á và 368 châu Á ().
Theo công bố của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (University Ranking by Academic Performance – URAP), Việt Nam có 7 đại học được vào bảng xếp hạng này, trong đó ĐHQGHN ở vị trí thứ nhất tại Việt Nam. URAP xếp hạng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau về thành tựu học thuật của các trường đại học.
Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities rankings) năm 2018 do báo Tin tức Hoa Kỳ (US News) bình chọn, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam có lĩnh vực Vật lý được xếp hạng, đứng thứ 502 toàn cầu. Kết quả xếp hạng lĩnh vực Vật lý của Việt Nam theo các tiêu chí trên như sau: Uy tín nghiên cứu Vật lý khu vực (Physics regional research reputation) có thứ hạng 62, Tỷ lệ công bố Vật lý từ hợp tác nghiên cứu (Physics percentage of total publications with international collaboration) có thứ hạng 83, các tiêu chí khác được xếp từ vị trí 252 – 696, trong đó uy tín nghiên cứu Vật lý toàn cầu có thứ hạng 472 ().
3. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG NHIỀU HOẠT ĐỘNG HỌC THUẬT TẦM VÓC QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
Trong thời gian qua, vị thế, thương hiệu của ĐHQGHN ngày càng được khẳng định không chỉ ở trong nước, khu vực mà cả quốc tế. Minh chứng rõ nét cho uy tín học thuật của đại học hàng đầu Việt Nam trong năm 2018 là ĐHQGHN đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học quốc tế, góp phần vào việc cộng hưởng trí tuệ và thực hiện các mục tiêu quốc gia, toàn cầu.
Ngày 18/9/2018, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”. Hội thảo nhằm phân tích, thảo luận các kết quả và nêu ra những vấn đề trong quá trình triển khai đổi mới, đề xuất các giải pháp để công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo thành công. Đây là dịp để các nhà quản lý và các nhà khoa học tại Việt Nam đánh giá tổng quan về những thành tựu và thách thức sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo; Những đổi mới về tự chủ đại học; Đổi mới về thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; Đổi mới trong giáo dục phổ thông ().
Từ ngày 8-10/11/2018, ĐHQGHN phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Hà Nội với chủ đề “Hướng đến Phát triển bền vững - Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh”. Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học – công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sáng kiến tổ chức Diễn đàn Hà Nội của ĐHQGHN thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam ().
Hướng tới kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ, ngày 24/11/2018, ĐHQGHN phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Hội thảo tập trung phân tích, làm sáng tỏ bối cảnh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Thông qua đó, phác dựng và thấy rõ hơn hình ảnh và những đóng góp của Nguyễn Công Trứ với vương triều Nguyễn và thời đại ().
Ngày 6/12/2018, ĐHQGHN phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn ().
4. NHIỀU CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ ĐƯỢC TRAO TẶNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC, GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ
Năm 2018 tiếp tục ghi nhận nhiều giải thưởng và các danh hiệu cao quý dành tặng các nhà khoa học, nhà giáo, các học sinh – sinh viên của ĐHQGHN.
Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong giáo dục và đào tạo đã được trao 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 03 Huân chương Lao động hạng Nhì và 14 Huân chương Lao động hạng Ba ().
Năm 2018 cũng là một năm bội thu huy chương của học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên với 03 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng ở các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tính đến năm 2018, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên giành được 201 huy chương ở các kỳ Olympic quốc tế và 40 huy chương ở các kỳ thi Olympic khu vực ().
Với công trình “Higher dimensional nonlinear massive gravity” trên Physical Review D, TS. Đỗ Quốc Tuấn – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã giành giải thưởng ở hạng mục Giải trẻ dành cho các nhà khoa học dưới 35 tuổi, thuộc Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 ().
5. HOÀN THIỆN CHU TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẦU TIÊN TẠI TRƯỜNG ĐH VIỆT NHẬT, KHOA Y DƯỢC VÀ PHÁT TRIỂN NHIỀU NGÀNH HỌC MỚI
Năm 2018, 56 học viên khóa I được trao bằng thạc sĩ là sự kiện quan trọng đánh dấu bước đầu hợp tác thành công giữa Trường ĐH Việt Nhật và các đại học hàng đầu Nhật Bản trong các chương trình đào tạo đầu tiên được khai giảng vào tháng 9/2016. Đây là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện thành công các chương trình đào tạo tiếp theo, đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2018) ().
Năm 2018, Khoa Y Dược đã trao bằng tốt nghiệp cho 74 tân cử nhân đầu tiên kể từ khi Khoa được thành lập năm 2012, trong đó có 43 tân bác sĩ đa khoa và 31 tân dược sĩ đại học. Sự kiện này góp phần nâng cao uy tín, vai trò của ĐHQGHN đối với ngành y tế trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ().
Cùng với đó, Khoa Y Dược cũng hoàn thành việc thiết lập văn phòng các Bộ môn Lâm sàng chính tại nhiều Bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội gồm: tại Bệnh viện Bạch Mai, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tại Bệnh viện E và Bộ môn Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi TW. Đồng thời, với các hoạt động này là ban hành Quyết định công nhận giảng viên thỉnh giảng của các bệnh viện nêu trên về các Bộ môn tương ứng.
Việc thành lập Bộ môn và đặt văn phòng Bộ môn của cơ sở đào tạo tại các Bệnh viện là cầu nối trong liên kết Trường – Viện, không chỉ mang đến lợi ích thiết thực cho sinh viên trong quá trình đào tạo mà còn tạo điều kiện để cả hai đơn vị tham gia nhiều hơn nữa, góp phần giải những bài toán lớn mà ngành y tế đang đặt ra.
Cũng trong năm 2018, ĐHQGHN đã thẩm định và ban hành nhiều chương trình đào tạo ở nhiều bậc đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một số ngành tiên phong, mũi nhọn lần đầu tiên được mở ở Việt Nam như: chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot, Công nghệ hàng không vũ trụ, Nông nghiệp Công nghệ cao của Trường ĐH Công nghệ; chương trình đào tạo ngành Khoa học thông tin địa không gian của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; chương trình đào tạo dành cho các tài năng thể thao của Trường ĐH Kinh tế… Các ngành đào tạo mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên đơn vị đã và đang được xây dựng, vừa thể hiện vai trò tiên phong, vừa phát huy thế mạnh, nguồn lực chung của toàn ĐHQGHN như: Trường ĐH Kinh tế phối hợp với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên triển khai xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Tài chính định lượng và quản trị rủi ro, đồng thời phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế dịch vụ và du lịch, dự kiến ban hành trong năm 2019.
Song song với các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu, năm vừa qua, ĐHQGHN đã ban hành một số chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng ứng dụng, nhằm đưa nội dung lý thuyết trong các chương trình đào tạo ứng dụng vào thực tiễn nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu của các địa phương. Đó là: Kế toán (Trường ĐH Kinh tế); Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng (Khoa Luật); Quản trị trường học, Quản trị giáo dục, Đo lường và đánh giá trong giáo dục, Tham vấn học đường (Trường ĐH Giáo dục).
6. TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày 9/1/2018, Giám đốc ĐHQGHN và Giám đốc ĐH Nam Carolina đã ký kết văn bản hợp tác khung giữa hai bên. Theo văn bản thỏa thuận, hai đại học sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực: trao đổi cán bộ, sinh viên; tiến hành các dự án nghiên cứu và đào tạo chung; đồng tổ chức các hội thảo, hội nghị, các buổi trao đổi chuyên môn khoa học; trao đổi tài liệu học thuật, nghiên cứu, các ấn phẩm khoa học… ().
Ngày 22/5/2018, Giám đốc ĐHQGHN và Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, hai bên thỏa thuận hợp tác các nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực; Khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức; Truyền thông và quảng bá hình ảnh. Thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công tác thông tin truyền thông, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và sự phát triển của mỗi bên ().
Ngày 14/9/2018, trong khuôn khổ phiên họp mở rộng Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã vinh dự được trao bằng Tiến sĩ danh dự từ FEFU - một trong những đại học lớn nhất ở Liên bang Nga vì những đóng góp trong nghiên cứu văn hóa Á Đông và phát triển hợp tác giáo dục. Nhân dịp này, Giám đốc FEFU và Giám đốc ĐHQGHN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đại học trong giai đoạn mới. Theo đó, hai đại học thống nhất mở văn phòng đại diện của FEFU tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN và văn phòng đại diện của ĐHQGHN tại FEFU. Trong thời gian tới, hai bên sẽ triển khai các chương trình giáo dục chung, kể cả lĩnh vực tiếp thị và công nghệ máy tính, đào tạo chuyên gia cho các công ty ứng dụng, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và hải dương học. Hai bên cũng có kế hoạch về trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác giảng dạy và cùng xây dựng các chương trình nghiên cứu chung phù hợp với định hướng phát triển của ĐHQGHN, của Việt Nam dựa trên thế mạnh của FEFU và Liên bang Nga ().
7. TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN TẦM QUỐC GIA
Năm 2018, ĐHQGHN là đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai nhiều dự án tầm vóc quốc gia như: Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông…
Đến nay, một số dự án đã đạt được kết quả bước đầu như: nghiệm thu và chuyển giao nhiều đề tài, sản phẩm cho các địa phương vùng Tây Bắc; xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam gồm 6 chương và 44 điều; đồng thời 27/29 nhiệm vụ thành phần biên soạn nội dung các lĩnh vực đang được triển khai. ĐHQGHN cũng đang gấp rút triển khai các giải pháp công nghệ thông tin nhằm kiểm soát toàn bộ khâu biên soạn nội dung và tích hợp các dữ liệu của 29 lĩnh vực nội dung Quốc chí; cung cấp hơn 42.000 file hỏi đáp và hơn 12.000 file dữ liệu tham gia vào nguồn cơ sở dữ liệu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa.
Các dự án tầm vóc quốc gia nêu trên khẳng định sự kỳ vọng và tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ vào uy tín học thuật của ĐHQGHN.
8. CHUYỂN GIAO CÁC SẢN PHẨM KHỞI NGHIỆP
Nền tảng đặt và điều vận xe trực tuyến EMDDI của nhóm tác giả đến từ ĐHQGHN đã giành giải Ba lĩnh vực Công nghệ thông tin, . Năm nay lĩnh vực CNTT Di động và Kết nối không có giải Nhất và giải Nhì. EMDDI là nền tảng công nghệ tiên phong, có khả năng kết nối cộng đồng. Phần mềm là công cụ kết nối giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định giá dịch vụ, đây là cốt lõi của giao dịch thương mại điện tử. Bằng phương thức thanh toán trực tiếp cho đơn vị kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ QR-code, EMDDI cũng là giải pháp đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. EMDDI có thể mở rộng sang lĩnh vực vận tải hàng hóa trong thời đại các nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ ().
Cũng trong năm 2018, 6 hợp đồng chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học ĐHQGHN đã được ký kết tại Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào 2018, tại Viêng Chăn (Lào). Đây là lần đầu tiên Diễn đàn xúc tiến và chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào được tổ chức. Theo nhu cầu của doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu của Lào, ĐHQGHN sẽ chuyển giao các công nghệ sản xuất Diesel sinh học; sản phẩm công nghệ vi sinh vật trong xử lý môi trường và ứng dụng phát triển nông nghiệp xanh (phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi gia súc, thuốc bảo vệ nông nghiệp), và công nghệ thông tin - truyền thông phục vụ quản lý đô thị thông minh và dịch vụ vận tải thông minh ().
9. BƯỚC NGOẶT TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐHQGHN TẠI HÒA LẠC
Thực hiện Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/1/2018, ĐHQGHN đã tiếp nhận Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang ĐHQGHN. Việc chuyển giao Dự án Hòa Lạc là kết quả của mối quan tâm mới và đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng những chủ trương mới, cơ chế mới, đầu tư mới, nguồn lực mới, giải pháp mới, quyết tâm mới… ().
Ngày 7/3/2018, công trình tổ hợp tòa nhà Khoa Toán – Cơ – Tin học (HT1) thuộc phân khu 4 (Zone 4) của Dự án thành phần đầu tư xây dựng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN (Dự án QG-HN 07) đã được động thổ xây dựng. Đây là công trình đầu tiên được ĐHQGHN triển khai xây dựng kể từ khi ĐHQGHN tiếp nhận bàn giao từ Bộ Xây dựng. Công trình HT1 với quy mô diện tích sàn xây dựng là 14.330m2 ().
ĐHQGHN đang tập trung mọi nguồn lực để đơn vị thi công hoàn tất việc xây dựng và đưa công trình vào sử dụng trong quý III năm 2019. Việc hoàn thành công trình sẽ tạo động lực thúc đẩy các công trình, dự án thành phần khác và sẽ là tiền đề để ĐHQGHN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển các nghiên cứu khoa học và công nghệ chuyên sâu, chuyển giao tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học – công nghệ của đất nước, thu hút các nhà khoa học xuất sắc và sinh viên quốc tế đến làm việc và học tập tại Việt Nam.
10. TẠP CHÍ VẬT LIỆU VÀ LINH KIỆN TIÊN TIẾN VỪA ĐẠT CHUẨN ISI VỪA ĐẠT CHUẨN SCOPUS
Tháng 4/2018, Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (Journal of Science: Advanced Materials and Devices – JSAMD) của ĐHQGHN hợp tác với Nhà xuất bản Elsevier đã được chấp nhận vào cơ sở dữ liệu SCOPUS.
Kể từ lần xuất bản số đầu tiên hồi tháng 3/2016 đến nay, Tạp chí đã công bố được 130 công trình nghiên cứu của các tác giả đến từ nhiều quốc gia. Tháng 7/2017, JSAMD được Web of Science chấp nhận vào hệ thống nhóm tạp chí mới nổi của ISI. Theo phân tích của Web of Science, 130 bài được JSAMD công bố trong năm 2016 và 2017 đã có 360 lần trích dẫn, mỗi bài báo có tỷ lệ trích dẫn trung bình là 2,71.
Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến là Tạp chí đầu tiên của ĐHQGHN vừa đạt chuẩn ISI vừa đạt chuẩn SCOPUS ().
VNU Media