Hội thảo và tập huấn dành cho giáo viên nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và các chiến lược để giúp thầy/cô quản lý và ứng phó với các căng thẳng trong cuộc sống và công việc của bản thân. Đồng thời làm gia tăng sự khoẻ mạnh và hạnh phúc của thầy/cô đối với nghề nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.
Phó Hiệu trưởng TS. Nguyễn Đức Huy phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Khoa các Khoa học Giáo dục trong việc khẳng định các thế mạnh nghiên cứu và đóng góp xã hội của Khoa Các khoa học giáo dục trong lĩnh vực Tham vấn học đường, Tâm lý học lâm sàng và Khoa học giáo dục. Khoa CKHGD cũng đã có nhiều nghiên cứu đóng góp cho Ngành Giáo dục và Công Đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chương trình hội thảo và tập huấn tập trung vào các nội dung chính: Hội thảo khoa học; Tập huấn về: phương pháp giáo dục tích cực xây dựng trường học hạnh phúc, phương pháp cân bằng tâm lý và có SKTT tốt cho giáo viên, an toàn trên không gian mạng và mối quan hệ với SKTT của học sinh.
PGS.TS. Trần Thành Nam trình bày báo cáo
Báo cáo tại Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục PGS.TS. Trần Thành Nam đã trình bày vấn đề tổn thương sức khoẻ tâm thần sau đại dịch và những thách thức của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần (SKTT). Tác giả đã cho thấy bức tranh thực trạng tổn thương SKTT của giáo viên trong các nghiên cứu khảo sát trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, những trích dẫn các khảo sát của CDC - Hoa Kỳ, Teacher Wellbeing Index 2022 hay một số nghiên cứu tại Việt Nam đã cho thấy đại dịch Covid đang ảnh hưởng nặng nề hơn đến sức khỏe của giáo viên đặc biệt là giáo viên nữ (hơn là giáo viên nam). Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra nam giáo viên khó kiểm soát được hành vi cảm xúc hơn giáo viên nữ. Sự hài lòng và tự tin với công việc chuyên môn, số năm kinh nghiệm và sự gắn kết trường học, cam kết với nghề trồng người là những yếu tố giúp bảo vệ SKTT của các thầy cô. Hầu hết mọi người không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ, và một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này bao gồm quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành; không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc… Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân khác như phải thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh học sinh và sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới. Ngoài ra ở Việt Nam, một yếu tố gây áp lực lớn với giáo viên là việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, chụp hình và đưa các thông tin lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc.
Còn nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên thường không chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là vì còn nhiều niềm tin thành kiến về vấn đề này. Giáo viên thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác.
Dựa trên những phân tích về thực trạng và nguyên nhân, TS Trần Thành Nam cũng đề xuất về một cơ chế để tận dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện tại của hệ thống dịch vụ của y tế và hệ thống của ngành Lao động và thương binh xã hội. Đề xuất một môi trường kết nối các nhóm đa chức năng; kêu gọi sự hợp tác để xây dựng một hệ thống đánh giá sàng lọc các vấn đề tổn thương SKTT cho GV và học sinh trong toàn hệ thống; phát triển các nhóm hỗ trợ đồng đẳng từ xa, các dịch vụ hỗ trợ chuyên gia trực tuyến, tận dụng các ứng dụng chăm sóc SKTT hiện đang được xuất hiện trên các cửa hàng trực tuyến như App Store hay Google play, phát triển các khóa học mở trực tuyến cho GV.
Việc áp dụng các chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần đưa vào nhà trường đã có hiệu quả và khuyến nghị cần đưa một số nội dung giáo dục nhận thức về sức khỏe tâm thần vào Nhà trường bao gồm: làm rõ sự kỳ thị về bệnh tâm thần; hiểu biết đúng về bệnh tâm thần; nhận diện một số biểu hiện bệnh tâm thần phổ biến; trải nghiệm cách thức vệ sinh sức khỏe tâm thần đúng; tìm kiếm sự giúp đỡ đúng và duy trì tâm trạng tích cực và tầm quan trọng của một SKTT tích cực.
TS. Trần Văn Công rình bày về các mô hình phòng chống bạo lực học đường
Tiếp nối chương trình Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học TS. Trần Văn Công đã trình bày về các mô hình phòng chống bạo lực học đường.
Báo cáo này tập trung vào 4 nội dung, gồm: (1) Các vấn đề xung quanh bạo lực học đường; (2) Vai trò của nhà trường trong phòng chống và giải quyết bạo lực học đường; (3) Một số mô hình phòng chống bạo lực học đường và (4) Thảo luận cho mô hình tại Việt Nam. Thông qua việc tổng quan và phân tích các tài liệu hiện có trên thế giới và Việt Nam, một số kết quả chính đã thu được như sau:
Thứ nhất: Bạo lực học đường là bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên xảy ra trong khuôn viên trường học, trên đường đến trường hoặc về nhà, hoặc trong các sự kiện mà nhà trường tổ chức; và một học sinh có thể là nạn nhân, thủ phạm, hoặc người chứng kiến. Các hệ quả không chỉ dừng lại ở tổn thương thể chất ngay lập tức mà còn là các tổn thương sau này về tinh thần. Một số yếu tố nguy cơ trở thành thủ phạm gồm hành vi phạm pháp/chống đối, rối loạn tăng động giảm chú ý; trong khi đó các yếu tố nguy cơ trở thành nạn nhân liên quan đến sự chấp nhận của bạn bè, học sinh nào được bạn bè yêu mến và chấp nhận hơn thì ít có khả năng trở thành nạn nhân ở trường và ngược lại.
Thứ hai, trường học có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em. Những người lớn giám sát và làm việc trong môi trường giáo dục có nhiệm vụ cung cấp môi trường hỗ trợ và thúc đẩy phẩm giá, sự phát triển và bảo vệ của trẻ em. Giáo viên và các nhân viên khác có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em do họ phụ trách.
Thứ ba, các hoạt động toàn diện giúp ngăn ngừa bạo lực và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, những người quan trọng trong cuộc sống của trẻ đã được chứng minh là có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bạo lực so với các hoạt động chỉ tập trung vào một nhóm mục tiêu cụ thể. Đồng thời, việc thực hiện cần đảm bảo có đầy đủ các yếu tố theo tiến trình từ đánh giá xác định vấn đề, thiết lập kế hoạch rõ ràng về các hoạt động cho các bên liên quan cho đến đánh giá hiệu quả.
Cuối cùng, thực trạng cho thấy các mô hình tại Việt Nam phần lớn tổ chức nhỏ lẻ theo các trường, hoặc khu vực nhỏ; cũng bao gồm đa dạng các bên liên quan như nhà trường, công an, hội phụ huynh và học sinh với các hoạt động chủ đạo gồm: tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các buổi sinh hoạt của học sinh. Tuy vậy, mới chỉ tập trung can thiệp vào nhóm học sinh, thiếu vắng sự tác động, thay đổi vào môi trường lớn hơn là hệ thống trường học, nhận thức và kỹ năng của cha mẹ. Do đó, các mô hình trong tương lai cần quan tâm đến: kế hoạch cải thiện, thay đổi tối đa các bên liên quan; nguồn tài chính phát triển và duy trì mô hình; và triển khai mô hình cần có các chỉ báo kết quả đo lường được.
TS. Trần Văn Tính báo cáo tại Hội thảo
Đáng chú ý, báo cáo của TS. Trần Văn Tính với nhan đề: “Lý luận và bằng chứng xây dựng trường học hạnh phúc” đã nhấn mạnh việc xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu quan trọng của giáo dục. Xây dựng trường học hạnh phúc (Happy School) cần được xây dựa trên các lý luận và bằng chứng cần thiết cụ thể. Và để xây dựng trường học hạnh phúc, với mỗi trường, địa phương, vùng miền cần có nghiên cứu để đề xuất tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc cho phù hợp.
Trong các phiên làm việc chiều nay 16/12 và ngày mai 17/12 sẽ diễn ra chương trình Tập huấn Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Tại Việt Nam, Trường học hạnh phúc đã trở thành một từ khóa phổ biến trong ngành giáo dục và được lấy cảm hứng từ mô hình “Happy school” của UNESCO. Mô hình trường học hạnh phúc tại Việt Nam được triển khai từ năm 2018 với 22 tiêu chí tập trung vào 3 khía cạnh cốt lõi: Con người (People) - Hệ thống (Process) và Môi trường (Place). Trong đó, khía cạnh Con người đã đề cập rất nhiều đến vai trò của giáo viên trong việc phát triển mô hình này, cụ thể: thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Giáo viên là những người có tác động quan trọng về xây dựng và phát triển nhân cách, tâm sinh lý của học sinh. Nếu giáo viên có tình trạng sức khỏe tâm thần tốt, có thái độ, nhận thức, và năng lực tốt, sẽ tạo ra những thế hệ học trò hạnh phúc, có tác động lâu dài đến sự phát triển của hàng nghìn học sinh. |
UEd Media