Ngày 17/5/2024 Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định cho phép Trường Đại học Giáo dục được triển khai chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lý học, định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Chương trình hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đánh giá, trị liệu và phòng ngừa các rối loạn tâm thần.
Để hiểu rõ hơn về ngành Tâm lý học, định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành, niên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Hoàng Minh – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục, Trường Đại học Giáo dục. Được biết, GS, TS Đặng Hoàng Minh là nữ giáo sư trẻ nhất năm 2023. Cô là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội về tâm lý học lâm sàng.
GS.TS Đặng Hoàng Minh. Ảnh: NTCC
Phóng viên: Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần đang được cho là vấn đề nóng hiện nay. Vậy thực trạng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay ra sao, thưa giáo sư?
GS.TS Đặng Hoàng Minh: Ước tính khoảng hơn 90% người có rối loạn tâm thần chưa được tiếp nhận và điều trị chính thức theo thông tin của Bộ Y tế. Một trong những nguyên nhân chính cho vấn đề này là thiếu thốn nghiêm trọng nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Số lượng bác sĩ tâm thần rất ít chỉ đạt 0,62 người/100.000 dân và thấp hơn so với trung bình toàn cầu. Số lượng tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu trên toàn quốc chỉ là 143 người năm 2021, tỷ lệ 0,15 người/100.000 dân, thấp hơn 10 lần so với trung bình toàn cầu, thấp hơn 1 nửa so với khu vực Đông Nam Á và so với các nước có thu nhập trung bình thấp. Điều này lý giải vì sao việc tìm được nhà tâm lý lâm sàng phù hợp để can thiệp cho người bệnh đang rất khó khăn.
Nhu cầu lớn mà nguồn cung thiếu sẽ dẫn tới cơ hội có việc làm sớm, thu nhập cao ở những người được đào tạo chuyên sâu về tâm lý lâm sàng. Trong thập kỷ này, dự đoán khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng tâm lý lâm sàng vẫn là một vấn đề nóng. Do tâm lý là một ngành phức tạp, đôi khi không thể đo lường bằng máy móc và công cụ, công việc này đòi hỏi người hành nghề không chỉ có kiến thức mà còn phải giao tiếp cảm xúc với thân chủ và nhãn quan tinh tế để phán đoán. Cho nên, nhà tâm lý lâm sàng phải là những người được đào tạo với chuyên môn sâu, đạo đức tốt, tư duy khoa học tiến bộ và kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt. Ngay cả khi nền công nghệ phát triển vượt bậc tạo ra các robot, trí tuệ nhân tạo phục vụ trong nhiều lĩnh vực, lấy đi nhiều việc làm của người lao động, thì tâm lý lâm sàng sẽ vẫn là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động con người. Cho nên, nhà tâm lý lâm sàng sẽ vẫn có nhiều cơ hội giữ được việc làm hơn so với nhiều ngành nghề khác.
Phóng viên: Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, năm 2024, Trường Đại học Giáo dục sẽ bắt đầu tuyển sinh ngành Tâm lý học, định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Giáo sư có thể chia sẻ đôi điều về việc mở ngành này của Trường?
GS. TS Đặng Hoàng Minh: Lịch sử đào tạo tâm lý lâm sàng ở Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu từ việc hợp tác với Viện Sức khỏe tâm thần Hoa kỳ và Đại học Vandebilt. Thỏa thuận này đưa tới kết quả lần đầu tiên Chương trình đào tạo Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên được tổ chức ở Việt Nam từ năm 2008. Đến năm 2016, Trường tiếp tục được tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ cho chuyên ngành này.
Nội dung 2 chương trình được tiếp nhận và chuyển giao từ Chương trình đào tạo sau đại học của Đại học Vandebilt (Mỹ) với sự hướng dẫn, giảng dạy ban đầu của các Giáo sư, nhà khoa học đến từ Mỹ và nhiều nước trên thế giới cho các giảng viên và học viên Việt Nam.
Năm 2024, Trường được phép tuyển sinh hệ cử nhân, khiến cơ sở giáo dục này trở thành đơn vị duy nhất ở Việt Nam có sự liên thông đào tạo từ bậc cử nhân cho tới tiến sĩ chuyên ngành tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Cho đến nay, Trường Đại học Giáo dục đã đào tạo được 16 khóa Thạc sĩ và 8 khóa Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Tất cả các học viên chương trình đều đang có việc làm ổn định tại các viện nghiên cứu, trường học, công ty hoặc các cơ sở can thiệp tâm lý. Nhiều học viên có thể tự làm chủ các cơ sở tư vấn tâm lý hoặc cơ sở hỗ trợ giáo dục.
Phóng viên: Đâu là các ưu điểm nổi bật của chương trình cử tâm lý của Trường Đại học Giáo dục, thưa Cô?
GS.TS Đặng Hoàng Minh: Có nhiều ưu điểm của chương trình cử nhân tâm lý ở Trường Đại học Giáo dục.
Thứ nhất, đội ngũ giảng viên của ngành này tại Trường Đại học Giáo dục có chuyên môn sâu về tâm lý học lâm sàng, đồng thời thực hành, giảng dạy và nghiên cứu, và đều được đào tạo bài bản về tâm lý học lâm sàng.
Thứ hai, sinh viên hệ cử nhân có nhiều cơ hội được làm việc, học tập cùng với các học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh trong các đề tài nghiên cứu khoa học, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ.
Thứ ba, nhà trường đang thúc đẩy hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với nhiều trường đại học trên thế giới để đem lại các cơ hội du học được tài trợ cho sinh viên. Chẳng hạn, từ năm 2019 đến năm 2024, đã có 12 học viên thạc sĩ và 4 nghiên cứu sinh được nhận học bổng sức khỏe tâm thần toàn cầu (NORPART) học tập tại Đại học Khoa học Ứng dụng Innland và Đại học Bergen (Na Uy). Trường cũng cấp học bổng đào tạo cho 3 học viên và 4 nghiên cứu sinh người Campuchia. Các chương trình này cung cấp cơ hội lớn cho sinh viên về phát triển ngôn ngữ, kiến thức và tư duy học tập cũng như trao đổi văn hóa toàn cầu. Cuối cùng và quan trọng nhất, chương trình đào tạo đào tạo mang tính ưu việt, được xây dựng theo hướng đồng tâm.
Với mục tiêu tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế và phù hợp thực tiễn Việt Nam, các môn học chuyên ngành cử nhân Tâm lý lâm sàng được thiết kế tương tự như một số trường có xếp hạng cao trên thế giới. Ngoài việc quan tâm đến đào tạo kiến thức, Trường cũng rất chú trọng vào việc hướng dẫn hành xử đạo đức (2 học phần) và thực hành lâm sàng (2 học phần) một cách chuyên nghiệp. Hai học phần thực hành sẽ được nhà trường liên kết với các bệnh viện tại Hà Nội để có môi trường thực hành cho sinh viên.
Các em sẽ được học triệu chứng trên bệnh nhân, quan sát cách bác sĩ và các nhân viên y tế chữa trị, chăm sóc bệnh nhân và hiểu vai trò, vị trí của tâm lý lâm sàng trong hệ thống y tế. Điều này giúp sinh viên quen thuộc với các áp lực, giảm thiểu các sai sót để nâng cao uy tín của nghề nghiệp, cũng như giúp sinh viên thúc đẩy cách giao tiếp thân thiện, phát triển mối quan hệ nghề nghiệp lành mạnh và sâu sắc.
Bảng 1. Tóm tắt một số học phần của Chương trình đào tạo cử nhân tâm lý học, định hướng tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ở Trường Đại học Giáo dục
Khối kiến thức lĩnh vực và ngành | Khối kiến thức nhóm ngành Tâm lý lâm sàng |
- Tâm lý học lâm sàng đại cương. - Cơ sở sinh lý- thần kinh của hành vi con người. - Tâm lý học nhân cách. - Giáo dục giới và giới tính. - Tâm lý học phát triển. - Nhập môn Tâm thần học. - Nhập môn tham vấn tâm lý. - Tâm lý học bất thường. - Đánh giá các vấn đề hành vi và cảm xúc của học sinh. - Đánh giá trí tuệ và kết quả học tập. - Tham vấn khủng hoảng trong trường học. |
- Tâm lý học về sự lão hóa - Giáo dục hòa nhập - Giáo dục gia đình - Phân tích và quản lý hành vi lớp học - Phân tích hành vi ứng dụng - Nhóm môn Tham vấn và hỗ trợ gia đình trẻ rối loạn - phát triển thần kinh, gia đình có người bệnh mạn tính (hỗ trợ cận tử). - Nhóm các môn học về rối loạn phát triển thần kinh gồm Đánh giá và can thiệp khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý. - Nhóm các môn tâm lý học về các bệnh thực thể như ung thư, phẫu thuật, bệnh mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ bệnh mạn tính (hỗ trợ cận tử). |
Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cũng là một mục tiêu đào tạo của Chương trình này. Sinh viên sẽ được học các môn giúp các em có thể viết đề cương nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ đánh giá, tổ chức triển khai khảo sát và viết báo cáo nghiên cứu khoa học. Các môn học này được thiết kế ngay từ hai năm đầu để các em sớm hình thành cách tư duy khoa học để chuẩn bị giao lưu học thuật quốc tế. Có hàng chục Hội thảo, seminar, workshop với sự tham gia trình bày của các nhà khoa học, nhà giáo từ các Viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới được tổ chức mỗi năm ở Trường Đại học Giáo dục.
Điều đặc biệt là phần lớn các sự kiện này hoàn toàn miễn phí đối với các sinh viên. Đối với các khóa học phải đóng phí, học viên hoặc cựu học viên của chương trình được hưởng mức ưu đãi từ 30 – 70%.
Trường Đại học Giáo dục tổ chức và duy trì nhóm cựu học viên chương trình tâm lý lâm sàng để thường xuyên chia sẻ thông tin học thuật và nghề nghiệp. Các cựu học viên đang làm việc ở nhiều nơi khác nhau cả trong và ngoài nước đã giới thiệu các cơ hội việc làm cho nhau. Họ cũng tham gia hướng dẫn, giám sát chuyên môn cho những người còn đang học và chưa tốt nghiệp. Mô hình hoạt động này tạo thành một cộng đồng uy tín và thân thiện, nơi mà các sinh viên sẽ cảm thấy mình được trợ giúp và được thuộc về.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn GS về cuộc trao đổi!
Có hàng chục Hội thảo, seminar, workshop với sự tham gia trình bày của các nhà khoa học, nhà giáo từ các Viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới được tổ chức mỗi năm ở Trường Đại học Giáo dục. Ảnh: NTCC
"Trong những năm Covid -19, tôi đã nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ tâm lý để giúp mọi người thoát khỏi khủng hoảng tâm lý. Lúc bấy giờ tôi thấy chuyên môn của mình thực sự đáng giá. Nhiều thân chủ là người Việt Nam ở nước ngoài gọi cho tôi bởi vì họ không tìm được sự trợ giúp phù hợp ở nơi họ đang sinh sống. Giảng viên của chương trình tâm lý học lâm sàng của Trường Đại học Giáo dục có chuyên môn cao, rất nhiệt tình nhưng cũng yêu cầu cao ở học viên. Khi học ở chương trình tâm lý lâm sàng, tôi thấy các giảng viên thực sự lắng nghe và tôn trọng học viên, khiến tôi không ngại nói ra những ý kiến của mình mà không ngại bị đánh giá. Các giảng viên truyền cảm hứng, chỉ dẫn rõ ràng, giúp tôi hình thành ý thức làm việc chuyên nghiệp và bài bản", anh Hải Nam một cựu học viên Thạc sĩ của Trường Đại học Giáo dục chia sẻ. Một nghiên cứu sinh của Trường cho biết, từ năm 2023 tới nay, anh đã nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các công ty tư vấn tâm lý của Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Hongkong. Họ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý xuyên quốc gia thông qua mạng internet. Họ quyết định chọn anh sau khi anh cung cấp cho họ bằng cấp và bảng điểm của Trường Đại học Giáo dục. Tâm lý lâm sàng có thuận lợi lớn hơn so với nhiều chuyên ngành tâm lý khác. Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2023 đã bổ sung tâm lý lâm sàng vào danh sách chức danh các ngành nghề y tế hiện nay. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu việc nhà nước đã thừa nhận vị trí việc làm, với các quyền và nghĩa vụ của tâm lý lâm sàng trong lĩnh vực y tế sau nhiều lần cân nhắc. Thay vì sử dụng thuốc để can thiệp như bác sĩ tâm thần, tâm lý lâm sàng sẽ sử dụng những kiến thức và kỹ năng tâm lý để giúp cho người bệnh hiểu rõ về bệnh tật và đối phó hiệu quả hơn với các triệu chứng của rối loạn tâm thần để hướng tới một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc. Khi trở thành một bộ phận của lực lượng y tế, tâm lý lâm sàng sẽ là một nghề nghiệp được tôn trọng và đánh giá cao trong xã hội. |
Thanh Thủy - Tạp Chí điện tử Giáo dục Việt Nam